Cách xác định giá tính thuế GTGT theo văn bản pháp luật hiện hành
16/03/2022 16:26:16
Thuế GTGT là loại thuế thu phổ biến, đánh vào hầu hết các sản phẩm, dịch vụ có trên thị trường hiện nay. Để xác định được thuế GTGT, doanh nghiệp cần phải quan tâm đến giá tính thuế GTGT. Việc xác định đúng giá tính thuế GTGT sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện kê khai và quyết toán thuế theo quy định. Mời bạn đọc cùng iHOADON tìm hiểu bài viết sau đây.
Thế nào là giá tính thuế GTGT?
1. Khái niệm giá tính thuế
Giá tính thuế giá trị gia tăng (tiếng Anh: Taxable price of value added tax) được hiểu là giá bán được ghi trên hóa đơn bán hàng của người bán hàng, người cung cấp dịch vụ khi chưa có thuế GTGT hoặc giá được ghi trên chứng từ của hàng hóa nhập khẩu khi chưa có thuế GTGT. Về cơ bản, giá tính thuế GTGT là giá bán không bao gồm thuế GTGT.
2. Thời điểm xác định thuế GTGT
- Đối với bán hàng hóa: Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hàng hóa cho người mua, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với cung ứng dịch vụ: Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm hoàn thành việc cung ứng dịch vụ hoặc thời điểm lập hóa đơn cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với dịch vụ viễn thông: Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm hoàn thành việc đối soát dữ liệu về cước dịch vụ kết nối viễn thông theo hợp đồng kinh tế giữa các cơ sở kinh doanh dịch vụ viễn thông nhưng chậm nhất không quá 2 tháng kể từ tháng phát sinh cước dịch vụ kết nối viễn thông.
- Đối với hoạt động cung cấp điện, nước sạch: Thời điểm xác định thuế GTGT là ngày ghi chỉ số điện, nước tiêu thụ trên đồng hồ để ghi trên hóa đơn tính tiền.
- Đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê: Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm thu tiền theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng. Căn cứ số tiền thu được, cơ sở kinh doanh thực hiện khai thuế GTGT đầu ra phát sinh trong kỳ.
- Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu: Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu: Thời điểm xác định thuế GTGT là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan.
Thời điểm xác định thuế GTGT là khi nào?
3. Giá tính thuế GTGT được quy định như thế nào?
Giá tính thuế GTGT đối với mỗi loại hàng hóa, dịch vụ sẽ có những quy định khác nhau. Theo nội dung Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC (Sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 119/2014/TT-BTC và Thông tư 26/2015/TT-BTC), giá tính thuế GTGT được xác định như sau:
- Hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra; hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt
Đối với hàng hóa, dịch vụ do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra là giá bán chưa có thuế GTGT.
Đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt nhưng chưa có thuế GTGT.
Đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế GTGT; đối với hàng hóa vừa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, vừa chịu thuế bảo vệ môi trường là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế GTGT.
- Hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu
Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu (nếu có), cộng (+) với thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có), cộng (+) với thuế bảo vệ môi trường (nếu có). Giá nhập tại cửa khẩu được xác định theo quy định về giá tính thuế hàng nhập khẩu.
Trường hợp hàng hóa nhập khẩu được miễn, giảm thuế nhập khẩu thì giá tính thuế GTGT là giá nhập khẩu cộng (+) với thuế nhập khẩu xác định theo mức thuế phải nộp sau khi đã được miễn, giảm.
- Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương
Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ (kể cả mua ngoài hoặc do cơ sở kinh doanh tự sản xuất) dùng để trao đổi, biếu, tặng, cho, trả thay lương, là giá tính thuế GTGT của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này.
- Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ
Hàng hóa luân chuyển nội bộ không phải tính, nộp thuế GTGT.
Trường hợp cơ sở kinh doanh tự sản xuất, xây dựng tài sản cố định để phục vụ sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT thì khi hoàn thành, nghiệm thu, bàn giao, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn. Thuế GTGT đầu vào hình thành nên tài sản cố định tự làm được kê khai, khấu trừ theo quy định.
Trường hợp xuất máy móc, thiết bị, vật tư, hàng hóa dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả, nếu có hợp đồng và các chứng từ liên quan đến giao dịch phù hợp, cơ sở kinh doanh không phải lập hóa đơn, tính, nộp thuế GTGT.
Riêng đối với cơ sở kinh doanh có sử dụng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng nội bộ, luân chuyển nội bộ phục vụ cho sản xuất kinh doanh như vận tải, hàng không, đường sắt, bưu chính viễn thông không phải tính thuế GTGT đầu ra.
Giá tính thuế GTGT được quy định như thế nào?
- Sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định pháp luật về thương mại
Đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại theo quy định của pháp luật về thương mại, giá tính thuế được xác định bằng không (0); trường hợp hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại nhưng không thực hiện theo quy định của pháp luật về thương mại thì phải kê khai, tính nộp thuế như hàng hóa, dịch vụ dùng để tiêu dùng nội bộ, biếu, tặng, cho.
- Hoạt động cho thuê tài sản
Đối với hoạt động cho thuê tài sản như cho thuê nhà, văn phòng, xưởng, kho tàng, bến, bãi, phương tiện vận chuyển, máy móc, thiết bị là số tiền cho thuê chưa có thuế GTGT.
Trường hợp cho thuê theo hình thức trả tiền thuê từng kỳ hoặc trả trước tiền thuê cho một thời hạn thuê thì giá tính thuế là tiền cho thuê trả từng kỳ hoặc trả trước cho thời hạn thuê chưa có thuế GTGT.
Giá cho thuê tài sản do các bên thỏa thuận được xác định theo hợp đồng. Trường hợp pháp luật có quy định về khung giá thuê thì giá thuê được xác định trong phạm vi khung giá quy định.
- Hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm
Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp, trả chậm là giá tính theo giá bán trả một lần chưa có thuế GTGT của hàng hóa đó, không bao gồm khoản lãi trả góp, lãi trả chậm.
- Đối với gia công hàng hóa
Đối với gia công hàng hóa là giá gia công theo hợp đồng gia công chưa có thuế GTGT, bao gồm cả tiền công, chi phí về nhiên liệu, động lực, vật liệu phụ và chi phí khác phục vụ cho việc gia công hàng hóa.
- Đối với xây dựng, lắp đặt là giá trị công trình, hạng mục công trình hay phần công việc thực hiện bàn giao chưa có thuế GTGT.
Trường hợp xây dựng, lắp đặt có bao thầu nguyên vật liệu là giá xây dựng, lắp đặt bao gồm cả giá trị nguyên vật liệu chưa có thuế GTGT.
Trường hợp xây dựng, lắp đặt không bao thầu nguyên vật liệu, máy móc, thiết bị, giá tính thuế là giá trị xây dựng, lắp đặt không bao gồm giá trị nguyên vật liệu và máy móc, thiết bị chưa có thuế GTGT.
Trường hợp xây dựng, lắp đặt thực hiện thanh toán theo hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành bàn giao là giá tính theo giá trị hạng mục công trình hoặc giá trị khối lượng công việc hoàn thành bàn giao chưa có thuế GTGT.
- Hoạt động chuyển nhượng bất động sản
Giá tính thuế là giá chuyển nhượng bất động sản trừ (-) giá đất được trừ để tính thuế GTGT.
Trường hợp xây dựng, kinh doanh cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà để bán, chuyển nhượng hoặc cho thuê, giá tính thuế GTGT là số tiền thu được theo tiến độ thực hiện dự án hoặc tiến độ thu tiền ghi trong hợp đồng trừ (-) giá đất được trừ tương ứng với tỷ lệ % số tiền thu được trên tổng giá trị hợp đồng.
- Hoạt động đại lý, môi giới mua bán hàng hóa và dịch vụ, ủy thác xuất nhập khẩu hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng
Giá tính thuế là tiền công, tiền hoa hồng thu được từ các hoạt động này chưa có thuế GTGT.
- Hàng hóa, dịch vụ được sử dụng chứng từ thanh toán ghi giá thanh toán là giá đã có thuế GTGT như tem, vé cước vận tải, vé xổ số kiến thiết
Giá chưa có thuế GTGT = Giá thanh toán (tiền bán vé, bán tem)/ [1+ thuế suất của hàng hóa dịch vụ (%)]
- Đối với điện của các nhà máy thủy điện hạch toán phụ thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Giá tính thuế GTGT để xác định số thuế GTGT nộp tại địa phương nơi có nhà máy được tính bằng 60% giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước, chưa bao gồm thuế GTGT.
Trường hợp chưa xác định được giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước thì theo giá tạm tính của Tập đoàn thông báo nhưng không thấp hơn giá bán điện thương phẩm bình quân của năm trước liền kề.
Khi xác định được giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước thì kê khai điều chỉnh chênh lệch vào kỳ kê khai của tháng đã có giá chính thức. Việc xác định giá bán điện thương phẩm bình quân năm trước chậm nhất không quá ngày 31/3 của năm sau.
- Dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược
Đối với dịch vụ casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh giải trí có đặt cược, là số tiền thu từ hoạt động này đã bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt trừ số tiền đã trả thưởng cho khách.
- Đối với vận tải, bốc xếp
Đối với vận tải, bốc xếp là giá cước vận tải, bốc xếp chưa có thuế GTGT, không phân biệt cơ sở trực tiếp vận tải, bốc xếp hay thuê lại.
Xác định giá tính thuế GTGT theo Điều 7 Thông tư 219/2013/TT-BTC
- Dịch vụ du lịch
Đối với dịch vụ du lịch theo hình thức lữ hành, hợp đồng ký với khách hàng theo giá trọn gói (ăn, ở, đi lại) thì giá trọn gói được xác định là giá đã có thuế GTGT.
Giá tính thuế = giá trọn gói/ (1+thuế suất)
Trường hợp giá trọn gói bao gồm cả các khoản chi vé máy bay vận chuyển khách du lịch từ nước ngoài vào Việt Nam, từ Việt Nam đi nước ngoài, các chi phí ăn, nghỉ, thăm quan và một số khoản chi ở nước ngoài khác (nếu có chứng từ hợp pháp) thì các khoản thu của khách hàng để chi cho các khoản trên được tính giảm trừ trong giá (doanh thu) tính thuế GTGT. Thuế GTGT đầu vào phục vụ hoạt động du lịch trọn gói được kê khai, khấu trừ toàn bộ theo quy định.
- Dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ cầm đồ
Đối với dịch vụ cầm đồ, số tiền phải thu từ dịch vụ này bao gồm tiền lãi phải thu từ cho vay cầm đồ và khoản thu khác phát sinh từ việc bán hàng cầm đồ (nếu có) được xác định là giá đã có thuế GTGT.
Giá tính thuế = Số tiền phải thu/ (1+thuế suất)
- Sách chịu thuế GTGT
Đối với sách chịu thuế GTGT bán theo đúng giá phát hành (giá bìa) theo quy định của Luật Xuất bản thì giá bán đó được xác định là giá đã có thuế GTGT để tính thuế GTGT và doanh thu của cơ sở. Các trường hợp bán không theo giá bìa thì thuế GTGT tính trên giá bán ra.
- Hoạt động in
Giá tính thuế là tiền công in. Trường hợp cơ sở in thực hiện các hợp đồng in, giá thanh toán bao gồm cả tiền công in và tiền giấy in thì giá tính thuế bao gồm cả tiền giấy.
- Dịch vụ đại lý giám định, đại lý xét bồi thường, đại lý đòi người thứ ba bồi hoàn, đại lý xử lý hàng bồi thường 100% hưởng tiền công hoặc tiền hoa hồng.
Giá tính thuế GTGT là tiền công hoặc tiền hoa hồng được hưởng (chưa trừ một khoản phí tổn nào) mà doanh nghiệp bảo hiểm thu được, chưa có thuế GTGT.
- Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tại Việt Nam mua dịch vụ (kể cả trường hợp mua dịch vụ gắn với hàng hóa) của tổ chức nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, cá nhân ở nước ngoài là đối tượng không cư trú tại Việt Nam thì tổ chức, cá nhân mua dịch vụ là người nộp thuế, trừ trường hợp không phải kê khai, tính nộp thuế
Giá tính thuế là giá thanh toán ghi trong hợp đồng mua dịch vụ chưa có thuế GTGT.
4.Đồng tiền xác định giá tính thuế GTGT
Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam. Trường hợp người nộp thuế có doanh thu bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch tại thời điểm phát sinh doanh thu để xác định giá tính thuế.
Giá tính thuế được xác định bằng đồng Việt Nam
Tại điểm 2, điều 4 Thông tư 80/2021/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật quản lý thuế có quy định tỷ giá giao dịch thực tế được thực hiện theo quy định pháp luật về kế toán. Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ kế toán doanh nghiệp như sau:
Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán doanh thu là tỷ giá mua vào của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản.
Tỷ giá giao dịch thực tế để hạch toán chi phí là tỷ giá bán ra của Ngân hàng thương mại nơi người nộp thuế mở tài khoản tại thời điểm phát sinh giao dịch thanh toán ngoại tệ.
Như vậy là toàn bộ bài viết đã hướng dẫn cho bạn đọc cách xác định giá tính thuế GTGT theo đúng văn bản pháp luật hiện hành. Hy vọng những thông tin này sẽ hữu ích.
Đăng ký dùng thử miễn phí hóa đơn điện tử iHOADONTẠI ĐÂY
Từ 01/11/2021 – 30/6/2022, Tổng Cục thuế sẽ triển khai hóa đơn điện tử theo Nghị định số 123/2020/NĐ-CP và Thông tư số 78/2021/TT-BTC tại 06 tỉnh/thành phố gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định.
Quý khách vui lòng lựa chọn nhu cầu đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử
Đăng ký sử dụng ngay hóa đơn điện tử theo TT78 với Cơ quan thuế
Đơn vị vui lòng nhập chính xác thông tin để được hỗ trợ hoàn thiện thủ tục áp dụng hóa đơn điện tử
Bạn đăng ký Hóa đơn điện tử theo TT78?
Hãy để lại thông tin để chúng tôi sẽ hỗ trợ & tư vấn cho bạn
Hoặc liên hệ
ihoadon@efy.com.vn
MIỀN BẮC:
Ms. Thúy: 0911 876 895
Mrs. Hương: 0911 876 894
Ms. Dương: 0914 975 209
MIỀN NAM:
Ms. Thùy: 0911 876 899
Ms. Thơ: 0911 876 900
x
Cảm ơn bạn đã quan tâm tới dịch vụ định danh điện tử của Công ty EFY Việt Nam.
Nhân viên EFY sẽ liên hệ lại bạn trong thời gian sớm nhất.